Thị trường giá cước giao ngay tuyến Á – Âu đạt mức cao nhất năm 2020
Giá cước giao ngay từ Trung Quốc đến Bắc Âu đã đạt mức cao nhất trong năm vào tuần trước, nhưng ngay cả khi nhu cầu đối với hàng nhập khẩu châu Á được duy trì và được đáp ứng hết, thì sự bất ổn cũng ngày càng tăng khi châu Âu rơi vào đợt phong tỏa thứ hai đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến giá cước theo hợp đồng dài hạn.
Sự bùng phát mạnh về nhiễm COVID-19 đã khiến Đức và Pháp rơi vào tình trạng phong tỏa vào tuần trước, và Anh bắt đầu phong tỏa 4 tuần vào thứ Năm. Theo Erik Devetak, giám đốc sản phẩm tại Xeneta, một nền tảng phân tích thị trường và đo lường giá cước vận tải, việc thiếu rõ ràng của biện pháp này sẽ tác động đến nhu cầu tiêu dùng như thế nào vào đầu năm tới đang đẩy mức giá cước bình quân dài hạn đi xuống.
Giá cước bình quân dài hạn từ Trung Quốc-Bắc Âu trên nền tảng Xeneta được gia hạn kể từ ngày 1 tháng 10 là 805 USD/TEU, nhưng Devetak cho biết các lần gia hạn hàng năm trong tương lai đã cho thấy mức tăng chỉ 10%, thay vì mức tăng 20 đến 30% như được kỳ vọng.
“Hai tuần trước, các dấu hiệu duy nhất là thị trường tăng giá và mặc dù nó vẫn đang tăng giá, nhưng các con số không quá cực đoan”, ông nói với JOC.com. “Mặc dù giá hợp đồng [năm 2021] về cơ bản sẽ cao hơn đáng kể so với năm nay, nhưng mức giá mà chúng tôi đang thấy hiện đang thấp hơn những gì chúng tôi mong đợi ở một vài tuần trước. Điều đó dường như cho thấy niềm tin về nhu cầu cao tiếp tục sau Tết Nguyên đán không còn mạnh như trước đây”.
Các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa kéo dài tới 3 tuần trong dịp Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 12 tháng 2, vì vậy các chủ hàng theo truyền thống sẽ cho xuất hàng trong tháng trước kỳ nghỉ lễ. Liệu nhu cầu đó có cho thấy một mùa vận chuyển cao điểm cuối năm hay không thì vẫn chưa rõ ràng và khó có khả năng nhận thấy được đến sau Tết Nguyên đán.
Jens Bjørn Andersen, Giám đốc điều hành của DSV Panalpina, nói với JOC.com: “Rất khó để chúng tôi có được một cái nhìn tổng thể”. “Chúng tôi thân thiết với khách hàng của mình, nhưng năm nay về tính minh bạch kém hơn bình thường”.
Giám đốc điều hành Kuehne + Nagel, Detlef Trefzger cho biết trong cuộc điện đàm quý 3 gần đây rằng tầm nhìn của ông bị giới hạn trong vòng bốn đến sáu tuần. Ông dự đoán nhu cầu theo mùa trước Giáng sinh và trước Tết Nguyên đán, nhưng sau đó không rõ ràng lắm.
Trefzger nói với các nhà phân tích: “Chúng tôi có rất nhiều hạn chế đối với du lịch giải trí và du lịch công tác, và tất cả những điều này sẽ tác động đến mô hình tiêu dùng, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khối lượng vận tải”.
Thị trường giá cước giao ngay đạt mức cao nhất năm 2020
Trong khi giá cước dài hạn có thể bắt đầu ở mức vừa phải, thì ngược lại đối với thị trường giá cước giao ngay, nơi có giá cước từ Trung Quốc đến Bắc Âu đạt mức cao nhất trong năm vào cuối tháng 10 nhờ nhu cầu mạnh và kéo dài.
Dữ liệu từ nhà phân tích hàng hải Sea-Intelligence cho thấy mặc dù 11% số chuyến tàu dự kiến sẽ bị hủy bỏ trong quý 4, công suất cung cấp trên các tuyến Châu Á – Bắc Âu và Châu Á – Địa Trung Hải vẫn cao hơn gần 20% so với công suất được triển khai trong cùng kỳ năm ngoái.
Theo Xeneta, nhu cầu mạnh mẽ đã đẩy giá cước giao ngay lên 1.173 USD/TEU trong tuần này, vượt qua mức cao nhất năm 2020 đạt được vào ngày 3/1. Giá cước đã trên một quỹ đạo tăng kể từ mức thấp đạt được vào ngày 13 tháng 5 trong đợt phong tỏa ban đầu trên toàn châu Âu, tăng 34% trong sáu tháng qua.
Giá cước giao ngay từ Trung Quốc-Bắc Âu theo Chỉ số Vận tải Hàng hóa bằng Container Thượng Hải (SCFI) tuần trước ở mức 1.140 USD/TEU, tăng 36% kể từ mức thấp ngày 17/4. Biến động giá cước hàng tuần được theo dõi tại Trung tâm định giá Vận chuyển & Logistics của JOC.
Nhu cầu tiếp tục tăng mạnh ngoài mùa cao điểm quý 3 truyền thống, bất chấp việc nhiễm COVID-19 gia tăng và các biện pháp của châu Âu để chống lại đại dịch, đã gây ngạc nhiên cho cả các hãng vận tải và công ty giao nhận.
Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành của hãng tàu Hapag-Lloyd, cho biết tại hội nghị Global Liner Shipping tuần này: “Nếu bạn nhìn vào vài tháng qua, công suất hàng tuần sẽ tăng hơn nhiều so với mức ở năm 2019“.
“Vào tháng Giêng, chúng tôi bắt đầu một năm với khoảng 450.000 TEU mỗi tuần, con số này đã giảm xuống mức thấp vào tháng Năm là 385.000 TEU một tuần, nhưng sau đó đã tăng trở lại lên 523.000 TEU một tuần”, ông nói. “Điều đó cho thấy ngành vận tải container đã phản ứng nhanh chóng, nhưng nó cũng cho thấy rằng nhu cầu đã biến động mạnh và khá bất thường so với năm trước”.
Michael Amri, giám đốc toàn cầu dịch vụ đường biển FCL tại Hellmann Worldwide Logistics, cho biết nhu cầu không hề giảm kể từ khi gấp rút vận chuyển trước Tuần lễ vàng vào đầu tháng 10, thời điểm kết thúc truyền thống của mùa cao điểm.
Ông nói với JOC.com: “Tháng 10 có vẻ như là một tháng rất mạnh, thậm chí còn tốt hơn tháng 9, điều này rất bất thường”. “Nó thậm chí có thể là tháng tốt nhất trong năm”.
Amri cho biết các hãng vận tải đã rất ngạc nhiên trước nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng tiêu dùng, đặc biệt là từ Đức và Anh, nơi mọi người đang chi tiêu cho hàng gia dụng, đồ nội thất và đồ điện tử thay vì vào các kỳ nghỉ và xe hơi, hoặc mua sắm tại các trung tâm thương mại.
Ông nói: “Bây giờ, trong thời kỳ cao điểm, điều này vẫn tiếp diễn trong khi các mặt hàng khác đang tăng giá, và thị trường ô tô cũng như các nhà bán lẻ thời trang cũng đang nhập khẩu nhiều hơn do nhu cầu của người tiêu dùng ở châu Âu”.
Chris Price, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Agility Global Integrated Logistics, cho biết có một lượng hàng tồn kho lớn đang được dự trữ. Ông nói: “Các chỉ số về giao dịch và sản lượng theo TEU trong vận tải đường biển của chúng tôi đang tiến gần đến mức như năm 2019 và nếu xu hướng này tiếp tục, quý 4 sẽ có sự cải thiện so với các kết quả của năm 2019”.
Vapu News (Theo Greg Knowler I JOC)
Leave a Reply